DỊCH VỤ THIẾT KẾ IN ẤN QUẢNG CÁO

Những lưu ý khi xuất file PDF

Xuất file PDF - Coi chừng mất ký tự
Có một thứ còn tệ hơn là bị thiếu font, đó là mất hoặc lỗi một ký tự nào đó. Bạn chắc hẳn đã từng gặp trường hợp khi mở file PDF, một ký tự nhất định “được” thay bằng các ô vuông nho nhỏ hay tệ hơn, một ký tự lạ lùng khác.
Tệ nhất là khi mọi thứ có vẻ ổn khi xem trên màn hình máy tính, nhưng khi in ra thì việc “trộm long tráo phụng” mới xuất hiện. Mọi việc đã diễn ra như thế nào??
Thông thường thì lỗi này xảy ra do sự khác biệt giữa kiểu font (font type), chuẩn font (font encoding) và cấu hình máy tính. File PDF có thể chứa đựng 3 trong số các loại font phổ biến nhất hiện nay: PostScript Type 1, TrueType và OpenType. Đối với các ngôn ngữ gốc Latin (tiếng Anh chẳng hạn), ta thường có ít hơn 128 ký tự thường dùng (các chữ số, ký tự a -> z, A -> Z v.v.), được thể hiện bằng 7 bit trong bảng mã ASCII 8-bit.
Hầu hết các hệ điều hành cũng sử dụng các ký tự này cho hệ thống, nên việc thể hiện hay in ấn sẽ không có vấn đề gì. Các ký tự khác (8-bit) có thể được mã hóa không giống nhau phụ thuộc vào các hệ điều hành và các ứng dụng (soạn thảo, xử lý, in ấn…) khác nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thay thế hoặc mất ký tự nói trên.
Khi một loại font đã được nhúng vào file PDF, thường thì không có vấn đề gì khi file đó được mở ra hay in ấn trên các hệ điều hành khác nhau. Tuy nhiên, việc “đổi font” có thể xảy ra khi RIP, nếu có một font khác trùng tên nhưng khác đặc tính đang được sử dụng (thường trú) trong RIP. Các nhà đại diện của Adobe xác nhận lỗi trên không xảy ra với các RIP dựa trên nền Adobe, song nhiều “người trong cuộc” vẫn phản ảnh trục trặc này.
Việc nhúng một phần của font (subset embeding) sẽ giúp làm giảm kích thước file PDF đồng thời đổi tên font bên trong file PDF. Nếu ta xài Helvetica trong văn bản và chỉ nhúng các ký tự được sử dụng của font này khi tạo file PDF, thì font nói trên sẽ được chứa trong file PDF với cái tên đại loại như EFGWXK+Helvetica.
Trên lý thuyếti, RIP sẽ không nhận diện được font này và không thể sử dụng cho in ấn. Trong công tác chế bản (prepress), cần tránh tuyệt đối việc để font thường trú (resident) trên RIP, đặc biệt là đối với các nhà in thương mại.
Khi liên kết (merging) các file PDF có font subset cũng có khả năng xảy ra lỗi mất ký tự, mặc dù hiếm gặp. Khi nhúng một phần font vào file PDF, font sẽ bị đổi tên như đề cập ở phần trên.
Tên mới sẽ bao gồm 6 chữ cái ngẫu nhiên và tên font gốc. Khi liên kết, Acrobat sẽ sử dụng bộ subset đầu tiên mà nó gặp cho toàn bộ file PDF cuối cùng, nếu có các subset trùng tên. Vì vậy, nếu có các ký tự mới xuất hiện trong các subset sau, chúng sẽ không được thể hiện trên màn hình hay bản in mà thay vào đó là các khoảng trắng.
Khi bạn cần chỉnh sửa text trong một file PDF, công cụ touch-up text sẵn có trong Acrobat chỉ có chất lượng tàm tạm. Font chữ cần phải được sẵn sàng trong hệ thống khi chỉnh sửa, nghĩa là việc thay đổi 1 file PDF được tạo ra trên máy Mac trong môi trường Windows là không thể.
Ngược lại, Mac OS X cho phép sử dụng cả Windows TrueType và OpenType font, song điều đó cũng không có nghĩa là sử dụng font trên nền Mac là việc dễ dàng. Từ phiên bản 2000 / XP trở đi, Windows chứa tất cả các font vào một chỗ. Trong khi đó, trên máy Mac người ta có thể tìm thấy font nằm ở tất cả mọi nơi, và việc có nhiều font trùng lắp dễ dàng xảy ra.
Phức tạp hơn, OS X còn chứa các dfont, một biến thể của các font thường gặp (ví dụ như Helvetica và Times) dành cho máy Mac. Khi xuất file PDF, sự “phong phú” này có thể dẫn đến các dị biệt về giãn dòng (spacing), độ giãn giữa các ký tự (kerning) hoặc thậm chí sự mất đi một ký tự nào đó.


Xuất file PDF - Những lưu ý với font
Font nhất thiết phải có mặt trong hệ thống khi file được in (chứ không chỉ khi file được tạo ra), vì vậy các nhà in – chế bản khi nhận file thường yêu cầu người gửi bài giao kèm font.
Các nhà thiết kế font lại quy định các nguyên tắc khác nhau nếu bạn muốn sử dụng hoặc trao đổi font của họ, căn cứ vào thỏa thuận tác quyền (license agreement) mà ta thường nhắm mắt đồng ý khi cài đặt.
Thông thường, các thỏa thuận nói trên cho phép gửi kèm font theo bản in, với điều kiện nơi in cũng phải có bản quyền để sử dụng font này. Vấn đề có thể phát sinh khi bạn sử dụng một loại font ít phổ biến. Khi đó file PDF vẫn ổn, vì đa số các nhà tạo font, kể cả Adobe, cho phép bạn nhúng font để preview và in, nhưng nhà in có thể không in được vì không có bản quyền sử dụng font này.
Tại sao lại có nhiều rắc rối với font như vậy?
Cho dù trong hầu hết các phương pháp tạo file PDF ngày nay, nhúng font là thiết lập mặc định nhưng ta vẫn có thể dễ dàng bỏ sót một font nào đó trong file PDF cuối cùng.
Lấy ví dụ như Distiller, công cụ tạo PDF hàng đầu của Adobe. Phần mềm Distiller được đóng gói với vài cấu hình PDF thiết lập sẵn nhưng ta có thể dễ dàng tạo ra hoặc thay đổi các thiết lập mới. Với ứng dụng này, font có thể nằm trong PostScript được gửi đến Distiller hoặc không, tùy thuộc vào các thiết lập in do người dùng quy định.
Đối với Windows, khi file PDF được tạo ra thông qua Adobe PostScript, font TrueType có thể được xử lý theo một trong năm cách khác nhau, phụ thuộc vào tùy chọn “send font as” hoặc “TrueType download” (ngữ cảnh này thay đổi theo phiên bản Windows).
Một font TrueType có thể được chuyển đổi thành Type 1, hoặc Type 42 (nguồn gốc của TrueType), hoặc outline, hoặc bitmap, hoặc… không gì cả. Nếu Distiller không thể truy cập font thông qua file PostScript, nó sẽ tự động tìm các font sẵn có trong hệ thống. Nếu vẫn tìm không thấy, và thông tin về font được thiết lập theo một cách nào đó khác (thay vì phải bấm “cancel”) thì file PDF vẫn được tạo ra mà không có nhúng kèm font.
QuarkXPress cũng cho phép người dùng tùy chọn có nhúng font hay không khi xuất file PDF, tuy nhiên InDesign và Illustrator bắt buộc phải kèm font khi làm công việc này.
Khi mà các công cụ tạo PDF đã được thiết lập để đính kèm font, thì một số OpenType và TrueType font lại bị cấm “chấm nhúng” dưới mọi hình thức. Mặc dù thời gian gần đây, các nhà thiết kế font không tạo ra các tác phẩm như thế nữa, song các mẫu được tạo ra vào cuối thế kỷ trước (như các font đi kèm với CorelDraw) có khả năng bị hạn chế này.
Một số ứng dụng không cho phép người dùng nhúng các font bị hạn chế vào bản thiết kế (ví dụ các phiên bản QuarkXPress 6.5 và 7 dùng cho Mac), các phần mềm khác (như InDesign CS) sẽ cảnh báo nếu font bạn định sử dụng không thể nhúng vào file PDF sau này.
Một số khác hoàn toàn không có phản ứng gì khi bạn xài các font bị hạn chế cho đến khi xuất file PDF.
Xem “Document Properties” trong Adobe Acrobar có thể cho chúng ta biết rằng font có được nhúng trong file PDF hay không.
- “Embeded” có nghĩa là font đó được kèm theo đầy đủ.
-“Embeded subset” thì chỉ có các ký tự được sử dụng trong file là được nhúng vào PDF.
Một khi font không được kèm theo file, có hai khả năng để phần mềm cho phép ta preview và in. Acrobat hoặc Reader có thể sử dụng Adobe Multiple Master font được cài đặt cùng với ứng dụng để thay thế cho font bị thiếu. Mặc dù sự thay thế này hiếm khi phù hợp với bản gốc, nhưng chí ít nó cũng giúp ta đọc được phần text. Nếu có một loại font tương tự có sẵn trên máy tính, nó sẽ được sử dụng để hỗ trợ đọc & in.
Tuy nhiên, khả năng này sẽ không có tác dụng nếu file PDF không được in trực tiếp từ phần mềm Acrobat. Để khắc phục, bạn có thể nhúng font thay thế vào file PDF bằng cách sử dụng công cụ touch-up text hoặc các chương trình chỉnh sửa PDF khác như Enfocus Pitstop Professional.


Xuất file PDF - Cẩn thận với độ phân giải
Khi cần in các hình ảnh có độ phân giải cao, nguyên tắc nằm lòng là: hai điểm ảnh (pixel) cho mỗi điểm in (halftone dot). Ví dụ để in bản offset có mật độ in 150 lpi (lines per inch), bức ảnh cần có độ phân giải 300 ppi (pixel per inch).
Độ phân giải cao hơn là không cần thiết, hơn nữa nó sẽ làm chậm quá trình RIP. Hầu hết các chương trình xuất file PDF đều có khả năng giảm độ phân giải của hình ảnh (down sampling), tuy nhiên vì mục tiêu chính là giảm thiểu độ lớn của file PDF nên các công cụ này thường lấy đi các pixel nhiều hơn mức cần thiết.
Đôi khi việc giảm độ phân giải nêu trên xảy ra một cách vô ý. Đối với Distiller, thiết lập mặc định cho down sampling là 150 ppi, chỉ khoảng một nửa so với yêu cầu trung bình của một bản in offset. Các công cụ chỉnh sửa PDF như optimizer trong Acrobat 6 và 7 cũng có thể dùng để giảm độ phân giải hình ảnh. Điều đó hoàn toàn có ích cho việc tạo ra các bản duyệt PDF (soft proof), song sẽ là một sai lầm nếu sau đó bạn lại dùng các file này để in với độ phân giải cao.
Photoshop và các ứng dụng khác (như Genuine Fractals) cho phép nén hình ảnh bằng các thuật toán, tuy nhiên một khi các ảnh này đã được giảm độ phân giải, sẽ không có cách nào làm cho chúng đẹp trở lại như nguyên bản.


Xuất file PDF - Trông chừng các ảnh EPS và DCS
Một số phương pháp xuất file PDF có thể biến một thiên nga - ảnh vectơ EPS (Encapsulated PostScript) tuyệt đẹp nguyên bản trở thành một con vịt bầu - ảnh bitmap xấu xí với độ phân giải thấp trong file PDF. PDFWriter là một ví dụ.
Chương trình này tuy không còn được đóng gói cùng với Adobe Acrobat nữa song vẫn còn được một số người sử dụng. Tốt nhất là không nên động đến nó nữa, đặc biệt khi bản in có chứa các ảnh EPS.
Tùy chọn “save as PDF” hỗ trợ bởi Quartz trong lệnh in của Mac OS X cũng hoạt động theo cách tương tự. Ngoài việc chuyển các ảnh vectơ EPS thành ảnh bitmap, tùy chọn này còn đổi không gian màu của các ảnh này thành RGB.
Mặc dù bạn có thể kiểm soát một số thứ liên quan đến việc tạo file PDF bẳng tùy chọn “save as PDF” của Quartz thông qua ColorSync Utility, bao gồm việc chuyển đổi từ hệ màu RGB ngược trở lại CMYK. Dù vậy, các thông số duotones (Device N) và spot color sẽ bị mất.
Thế nên, dùng tùy chọn “save as PDF” là một giải pháp thuận tiện nhưng không phải là phương cách tốt để xuất file PDF cho công việc in ấn.
File PDF cũng có thể mất các hình ảnh có độ phân giải cao khi nó có các file DCS (Desktop Color Separation) được xử lý với một vài chương trình thiết kế nhất định. File ảnh DCS đã được phân tách sẵn thành các kênh màu riêng biệt cho từng màu sắc (bao gồm cả process color và spot color) cùng với một ảnh đại diện (placeholder image) có độ phân giải thấp.
Các dữ liệu cung cấp độ phân giải cao cho ảnh DCS sẽ bị mất khi xuất file PDF bằng QuarkXPress (bất kỳ phiên bản nào), thay vào đó là ảnh đại diện với độ phân giải thấp. llustrator CS và CS2 cũng gặp tình trạng này. Với Word, bạn sẽ bị mất các kênh màu process color. Tuy nhiên, InDesign CS và CS2 lại hoàn toàn khác, chúng có thể xuất file PDF với các ảnh có độ phân giải cao từ file DCS. Vì thế, InDesign là lựa chọn khả dĩ nhất khi bạn phải làm việc với các file ảnh DCS.


Xuất file PDF - EPS và sự phiền toái của Word RGB
Một trong những điều khó chịu phổ biến khi xuất file PDF là các ảnh vector và bitmap không được thể hiện theo đúng không gian màu cần thiết cho in ấn, thường là chúng theo hệ màu RGB trong khi ta cần CMYK hoặc spot color.
MS Word là “tội phạm” nổi tiếng nhất trong chuyện chuyển đổi “mọi thứ” sang hệ RGB. Màu sắc trong Word theo hệ màu RGB dựa trên chuẩn của hệ điều hành Windows (GDI - Graphics Device Interface). Khi một file được in ra từ chương trình Word hay các ứng dụng Office khác, nó sẽ sử dụng PostScript driver để chuyển hầu như tất cả mọi thứ sang hệ màu RGB, kể cả text vốn có màu đen (black).
Nếu bạn không muốn Word tự động chuyển các hình ảnh của bạn sang hệ màu RGB, hãy sử dụng các hình ảnh này dưới dạng EPS. Driver nói trên sẽ không đụng đến các hình ảnh EPS trong quá trình chuyển đổi và vì vậy, các thông số màu process color và spot color sẽ được giữ nguyên. Còn nếu bạn không muốn text bị đổi từ black sang hệ RGB, hãy sử dụng Adobe PDF driver được cài đặt cùng với Adobe Acrobat hoặc Reader.
Đối với các ứng dụng đồ họa, chuyển đổi màu sắc từ hệ này sang hệ khác thường là một phần của quá trình xuất file PDF.
InDesign và QuarkXPress có thể chuyển từ RGB sang CMYK tùy theo yêu cầu của bạn.
Adobe CS2 còn cung cấp tính năng chuyển đổi an toàn (safe CMYK workflow), theo đó việc chuyển đổi chỉ áp dụng cho các đối tượng RGB mà bỏ qua các đổi tượng CMYK, nhằm tránh trường hợp sai màu do các đối tượng này bị chuyển đổi thêm một lần không cần thiết.  Khi bạn muốn chuyển sang CMYK trong quá trình xuất file PDF, đánh dấu chọn “Preserve CMYK number” để Adobe thực hiện chức năng này.
Trong QuarkXPress, việc chuyển đổi từ RGB sang CMYK được thực hiện tự động một khi tùy chọn “composite CMYK” được thiết lập. Tùy theo việc chương trình quản lý màu có được bật hay chưa mà sự chuyển đổi này sẽ cho kết quả từ mức tệ đến mức không quá tệ! Các đối tượng Device N, chứa các thành tố màu phối hợp từ các không gian màu khác nhau, có thể bị chuyển đổi thành process color. Có nghĩa là các màu blend hoặc ảnh TIFF greyscale sẽ bị gán với một màu spot và trở thành duotone sai màu (fake duotone). Trước khi QuarkXPress 6.0 ra đời, bạn sẽ phải cài Xtension của Agfa, Creo hoặc các hãng khác để khắc phục hiện tượng này.
QuarkXPress 6.x bắt đầu có tùy chọn Device N Print Color và chúng ta không còn cần đến các Xtension nữa. Từ phiên bản QuarkXPress 7, cái tên “Device N” đã biến mất, thay vào đó là một thiết lập mới dễ hiểu hơn “process CMYK and spot”. Khi bạn xuất file PDF hoặc in PostScript cho Distiller, hãy sử dụng tùy chọn Device N (hoặc process CMYK) thay cho “composite CMYK”, các ảnh TIFF colorized và các màu blend sẽ được tạo ra như ý muốn.
Acrobat 7 Professional cho phép chuyển đổi từ RGB sang process color dễ dàng bằng tùy chọn “convert colors” trên thanh công cụ Prepress Production. Tùy chọn này sẽ chuyển đổi màu sắc dựa vào ICC profile, và có thể dùng để chuyển đổi text từ màu “đen RGB” thành màu đen thuần túy (black).
Ngoài ra, ngày nay có nhiều plug-in cho phép chuyển đổi màu sắc hiệu quả hơn như


Xuất file PDF - Các vấn đề với khổ in và in tràn màu
Hầu hết các chương trình đồ họa đều có chức năng thiết lập in tràn màu (bleed) khi xuất file PDF. Đây là thiết lập cần thiết để bảo đảm bản in có đúng kích thước mong muốn mà không bị “lé”.
Xuất file PDF thông qua in PostScript cần thêm bước thứ hai là chọn đúng printer driver và nhập kích thước khổ in thực tế đủ lớn để chứa các khoảng tràn màu bon, cắt xén v.v… Thao tác này sẽ tạo nên một media box cho file PDF được xuất ra.
Nếu media box quá nhỏ và bleed bị cắt mất khỏi file PDF, nó có thể được mở rộng bằng cách thay đổi kích thước trang in trong hộp thoại “crop pages” của Acrobat 7, hoặc dùng Enfocus Pitstop Pro. Nếu trong trang in có các khoảng tràn màu, việc mở rộng media box sẽ làm lộ ra các đối tượng này. Còn nếu kích thước phần bleed không được thiết lập trong ứng dụng gốc, bạn sẽ cần phải sửa phần bleed cho tương ứng với khổ in mới được mở rộng thêm. Công việc này tuy nhàm chán nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được.


Xuất file PDF - Flatten các đối tượng transparent
Vấn đề ở đây là PostScript không hiểu các đối tượng tranparent, cho nên các đối tượng này cần được flatten trước khi chuyển đến các thiết bị in PostScript. Cần flatten khi nào, ai làm là vấn đề cần phải được thống nhất.
1. Điều kiện để Flatten đạt kết quả tốt:
Đối với Adobe CS2, các đối tượng liên quan đến transparent bao gồm các trường hợp sau:
  • Có opacity nhỏ hơn 100%, hoặc có opacity mask (Illustrator)
  • Có blend mode không phải là Normal
  • Có drop shadow hoặc feather
  • Có hiệu ứng inner glow hoặc outer glow (Illustrator)
  • File Photoshop với transparent background
  • File Illustrator có chứa các đối tượng trên đây.
QuarkXPress cũng có khả năng tạo ra drop shadow hoặc thêm vào tranparency cho các đối tượng, nhưng bởi vì các sản phầm của Quark dựa trên PostScript (kể cả xuất file PDF) nên các đối tượng transparent sẽ được flatten thành các bitmap với độ phân giải nhất định, hoặc bị lược bỏ khi file PDF được tạo ra.
Đối với Adobe CS2 và Acrobat 7, các đối tượng transparent sẽ được tram hóa hoặc outline (hình nét), tùy thuộc vào từng loại đối tượng, độ phức tạp của file và các thiết lập khác. Adobe hỗ trợ 3 dạng flatten mặc định, trong đó “high resolution” là tùy chọn tốt nhất vì nó giữ lại các vector. Ngoài ra bạn có thể tự tạo ra các thiết lập flatten khác một cách dễ dàng, ví dụ như chuyển mọi thứ thành bitmap, hoặc đổi toàn bộ text sang outline.
2. Những rắc rối do flattern gây ra:
Flatten các đối tượng transparent có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau.
2.1 Text:
Nếu text có dính đến đối tượng transparent, nó có thể bị tram hóa trong quá trình flatten. Đối với hầu hết các RIP, text có độ phân giải cao hơn các đối tượng tram hóa, do đó nếu chỉ một phần text bị tram hóa (chuyển thành bitmap với độ phân giải thấp hơn), trong khi phần text còn lại không ảnh hưởng gì (có độ phân giải cao) thì chất lượng bản in sẽ xấu đi nhiều.
Text cũng có thể bị chuyển thành outline, khi đó stroke sẽ được làm đậm hơn để tạo ra outline cho text. Nếu toàn bộ text được outline thì không có vấn đề gì, nhưng nếu không, các phần text dính đến đối tượng transparent có thể được outline và tạo ra sự khác biệt không đẹp với phần text còn lại của trang in.

2.2 Chi tiết ảnh:
Việc flatten cũng có thể làm phá vỡ các chi tiết có liên quan transparent thành những “thứ hỗn độn”. Giả sử rằng có một đối tượng vector được tô màu pha với chế độ hòa trộn (blend mode) là “multiply” được đặt nằm trên một hình ảnh bitmap có hiệu ứng đổ bóng (drop shadow), và dưới cùng là một nền mau pha khác. Khi đối tượng vector và hiệu ứng đổ bóng được flatten, tất cả các chi tiết có liên quan sẽ bị vỡ ra thành những thứ hỗn độn, vừa là đối tượng vector, vừa là đối tượng bitmap, phụ thuộc vào giải thuật chuyển đổi của thiết bị PostScript khi kết xuất (render) các chi tiết transparence sang thứ gì đó.
Lấy ví dụ:- Công cụ flatten có thể dùng các lệnh overprint (được hỗ trợ bởi PostScript) để tạo ra các hiệu ứng trong suốt bằng các đối tượng mờ đục, đặc biệt là khi flantten một nền transparent có đụng chạm đến đối tượng màu pha.
- Thực tế, để in hay xem một file PDF có chứa đựng một đối tượng trong suốt được đã flatten một cách đúng đắn, thì việc dùng một phần mềm có hỗ trợ overprint là cần thiết. Nếu không có hỗ trợ overprint, đối tượng overprint sẽ bị thể hiện lộn xộn với những đối tượng bên dưới nó.
- Nếu bạn đã từng sử dụng Acrobat hay Reader để xem một file PDF và thay vì thấy được một nền đổ bóng nhẹ bên dưới hình ảnh, bạn sẽ nhận được một mảng vuông trắn bao quanh một mảng vuông đen rất là thô ráp, điều này là dĩ nhiên bởi vì tính năng thể hiện việc overprint không được hỗ trợ.
- Điều tương tự cũng sẽ xảy ra khi đem đi in – nếu như các thiết bị output không hỗ trợ tính năng overprint, các đối tượng flatten và overprint sẽ được xuất ra một cách lộn xộn.

2.3 Đường line:
Một vài người dùng đã phản ánh rằng, họ thường bị xem thấy cái đường line mảnh không mong muốn xung quanh đối tượng khi xem file PDF bằng Acrobat hay Reader.
Nguyên nhân là do tính năng “smooth line art” và “smooth images”, bạn có thể tắt tính năng này đi trọng mục display ở menu general preferences. Nhưng điều này rất là quan trọng đối với nhân viên chế bản khi thấy những đường line này, chúng cảnh báo cho họ biết rằng điều tương tự có thể xảy ra khi xuất file thực tế.

2.4 Trapping:
Trong một vài trường hợp, việc trapping tự động trên RIP (InRIP trapping) cũng có thể gây ra vài sự cố không mong muốn tại các đối tượng flatten phức tạp. Việc ko dùng trapping tự động sẽ loại trừ những nguyên nhân này, hãy để ý rằng có thể cần thiết để tắt chức năng traping “image to image” nhằm tránh các sự cố này tuy nhiên vẩn phải thực hiện việc trapping cho các công việc khác của bạn.

3. Khắc phục khó khăn khi flatten: 
Một cách tối ưu hóa đó là nên lưu trữ các đối tượng trong suốt ở dạng dữ liệu vector nếu có thể, bởi vì việc bitmap hóa hình ảnh sẽ chuyển đổi các đối tượng vector thành các hình ảnh bitmap có độ phân giải và điều này làm cho file của bạn sẽ có dung lượng lớn ra. Hãy mở một file PDF có đối tượng transperant bằng Photoshop, nó sẽ tự động chuyển đổi thành file bitmap đơn với dung lượng lớn. Ngược lại, nếu như bạn dùng các công cụ flatten trong InDesign hay Acrobat và thiết lập việc chuyển đổi vector – bitmap thì nó sẽ ko tạo ra hình ảnh bitmap đơn như mong muốn.
Một ngày sáng lạn đang đến. Sắp tới, những sự cố do đối tượng trong suốt sẽ không còn là gì vì ngành công nghiệp này đang được dần dần chuyển đổi sử dụng các hệ thống RIP trên nền PostScrip, như là Adobe’s PDF Print Engine, điều này sẽ làm cho việc kết xuất PDF thuận tiện hơn nhiều.

0 nhận xét: